Huyện Tiểu Cần thuộc cụm đô thị phía Tây của tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ 24 km theo Quốc lộ 60, thuộc tả ngạn sông Hậu.
– Phía Đông giáp huyện Châu Thành,
– Phía Tây giáp huyện Cầu Kè,
– Phía Nam giáp huyện Trà Cú và sông Hậu,
– Phía Bắc giáp huyện Càng Long.
Toàn huyện có 09 xã, 02 thị trấn, gồm: Phú Cần, Long Thới, Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hoà, Hùng Hoà, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Tân Hùng, thị trấn Tiểu Cần và thị trấn Cầu Quan. Tổng diện tích tự nhiên là 22.723ha, dân số 112.008 người. Trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số toàn huyện. Huyện có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy (Quốc lộ 54, 60; đường tỉnh 912, 915; sông Hậu, sông Cần Chông).
Nhìn chung, huyện Tiểu Cần có vị trí khá thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
+ Đặc điểm địa hình:
Huyện Tiểu Cần có địa hình tương đối bằng phẳng, ngoài những giồng cát có địa hình cao đặc trưng trên 1,6m và khu vực ven sông Hậu, Cần Chông cao 1,0m, còn lại phần lớn diện tích đất trong huyện có cao trình bình quân phổ biến từ 0,4 – 1,0m. Địa hình có hướng thấp dần về phía Đông.
– Cao trình từ 0,8 – 1,0m, tập trung ở một số ấp – khóm của xã Tân Hòa, Long Thới, thị trấn Cầu Quan, Phú Cần, thị trấn Tiểu Cần và Hiếu Tử.
– Cao trình từ 0,6 – 0,8m, tập trung ở một số ấp của xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Phú Cần, Long Thới và rải rác ở một số ấp của các xã Tập Ngãi, Ngãi Hùng và Hùng Hòa.
– Cao trình từ 0,4 – 0,6m, tập trung ở xã Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Hiếu trung và Phú Cần.
Ngoài ra, có một số khu vực trũng cục bộ do cao trình thấp hơn 0,2m rải rác ở ấp Te Te, Ông Rùm I và II (Hùng Hòa), Cây Ổi, Xóm Chòi (Tập Ngãi), Cây Gòn (Hiếu Trung)… nhưng diện tích không đáng kể.
Nhìn chung, địa hình thích hợp cho canh tác lúa, hoa màu và cây lâu năm. Tuy nhiên, ở khu vực gò thường thiếu nước canh tác trong mùa khô, có thể bố trí luân canh lúa màu và một số khu vực trũng thấp có điều kiện trao đổi nước rất thích hợp canh tác lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
+ Khí hậu:
Huyện Tiểu Cần nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa ven biển, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt trong năm. Nhiệt độ trung bình 25 – 28oC. Cao nhất tháng 04 và thấp nhất tháng 12. Tổng lượng mưa hàng năm đạt 1.500mm, thời gian bắt đầu mưa từ trung tuần tháng 05 và kết thúc đầu tháng 11.
+ Tài nguyên đất:
– Đất giồng cát: 387,7ha, chiếm 1,83% diện tích tự nhiên, chạy dài theo Quốc lộ 60, phần lớn đất này là thổ cư, vườn tạp, trồng hoa màu và cây lâu năm.
– Đất phù sa: 17.799,3ha chiếm 83,85% diện tích tự nhiên, gồm:
+ Đất phù sa phát triển trên chân giồng cát (đất cát giồng): 212,66ha phân bố dọc theo những giồng cát ở các xã: Hiếu Trung (Tân Trung giồng và Phú Thọ II), Hiếu Tử (Tân Đại), thích hợp trồng màu.
+ Đất phù sa chưa phát triển: 286,5ha, dọc theo sông Hậu. Phân bổ ở Khóm IV (thị trấn Cầu Quan); ấp Trẹm, Tân Thành Tây (Tân Hòa), thích hợp trồng cây ăn trái.
+ Đất phù sa đã và đang phát triển: 17.300ha, chiếm 95%, phân bố rộng khắp các xã, thị trấn.
– Đất phèn: diện tích 3.040ha, gồm:
+ Đất phèn tiềm tàng: 1.879ha, ở Tân Hòa (Tân Thành Tây), Long Thới (Định Bình) và rải rác ở các xã Phú Cần, Hiếu Trung, Ngãi Hùng, Tập Ngãi, Hiếu Tử và Hùng Hòa.
+ Đất phèn hoạt động: 1.160ha, xuất hiện ở Ngãi Hùng (Ngã Tư) và rải rác ở các xã Tập Ngãi, Hiếu Tử.
Nhìn chung, đất đai huyện Tiểu Cần chủ yếu là đất phù sa cùng một phần đất phèn, thích hợp trồng lúa, nhiều nơi còn thích hợp trồng màu, cây ăn trái, những nơi trũng ven sông lớn có điều kiện trao đổi nước rất thích hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cần phải chú ý đến việc đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh, áp dụng các biện pháp canh tác, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, bố trí cơ cấu mùa vụ và giống cây trồng thích hợp theo điều kiện từng vùng.
+ Tài nguyên nước:
Nguồn nước trực tiếp cung cấp cho Tiểu Cần là sông Hậu, sông Hậu đoạn qua huyện rộng và rất sâu, do nằm vào đoạn sông không bị ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, sông rộng lớn thoát nước nhanh, trữ nước nhiều, khả năng cung cấp nước cho đồng ruộng rất dồi dào. Tuy nhiên, vào tháng 4 – 5 nguồn nước lại bị nhiễm mặn dao động từ 1,5 – 4% có năm cao nhất lên đến 14% tại Cầu Quan.
– Sông Cần Chông – Rạch Lợp – Kênh Thống Nhất là sông chính chạy ngang qua giữa huyện, bắt nguồn trực tiếp từ sông Hậu qua kênh Thống Nhất với chiều dài 32km, đây là sông cung cấp và tiêu nước chính của huyện, đồng thời là trục giao thông quan trọng của huyện.
– Rạch Tiểu Cần: nối thông sông Cần Chông với kênh Trà Ngoa dài hơn 12km, chịu ảnh hưởng kênh Mỹ Văn ở đoạn trên và sông Cần Chông ở đoạn dưới.
– Kênh Mỹ Văn – 19/5: là kênh liên huyện Cầu Kè -Tiểu Cần – Càng Long, đoạn qua huyện ở xã Hiếu Tử và Hiếu Tử thông qua rạch Trà Ếch ra Ba Si.
– Rạch Trà Mềm bắt nguồn từ Rạch Lợp là rạch tự nhiên nối với rạch Trà Kép xuống Trà Cú, uốn khúc rộng và sâu ở cửa, hẹp và cạn rất nhanh khi gần đến ranh giới Trà Cú.
– Rạch Dung bắt nguồn từ Cần Chông, nối với rạch Trà Mân – Mù U huyện Trà Cú.
– Rạch Cao Một bắt nguồn từ Cần Chông dài 3km phân làm 2 nhánh nhỏ trong nội đồng.
– Rạch Đại Sư bắt nguồn từ Cần Chông phân làm 2 nhánh là rạch Bà Bèo và Ông Xây.
Ngoài các trục chính trên, còn các kênh rạch như: rạch Trẹm, kênh Bắc Trang, kênh Te Te, kênh Trinh Phụ, Kênh Cầu Tre và Kênh Ô Đùng.